Lịch sử Cộng_hòa_Nhân_dân_Hungary

Thời kỳ Stalin (1949–1956)

Nhà lãnh đạo mới của Hungary là Mátyás Rákosi yêu cầu các đồng chí trong Đảng Nhân dân Lao động Hungary phải hoàn toàn phục tùng ông. Đối thủ cạnh tranh quyền lực chính của Mátyás Rákosi là László Rajk, người này khi đó đang là Ngoại trưởng Hungary. Rajk bị bắt giữ và phái viên NKVD của Stalin phối hợp cùng Tổng Bí thư Hungary Rákosi và công an mật ÁVH để sắp xếp phiên tòa mang tính hình thức dành cho Rajk.[11]

Trong phiên tòa vào tháng 9 năm 1949, Rajk buộc phải nhận tội, nói rằng ông là tay sai của Miklós Horthy, Leon Trotsky, Josip Broz Tito và chủ nghĩa đế quốc phương Tây. Ông cũng thừa nhận rằng mình tham gia một kế hoạch ám sát nhằm vào Mátyás Rákosi và Ernő Gerő. Rajk bị tuyên bố là có tội và bị tuyên án tử hình.[11]

Mặc dù có công giúp đỡ Rákosi loại bỏ Rajk, song János Kádár và những người bất đồng quan điểm khác cũng bị loại khỏi đảng trong giai đoạn này. ÁVH đánh đập Kádár trong lúc thẩm vấn ông, bôi thủy ngân lên người ông để lỗ chân lông không thể trao đổi chất ra bên ngoài, người thẩm vấn còn đi tiểu vào miệng ông khi nó bị cạy ra.[12]

Rákosi sau đó áp đặt quyền thống trị tại Hungary. Ở cao điểm trong thời gian nắm quyền của mình, Rákosi cho phát triển sự sùng bái cá nhân mạnh mẽ.[13] Được phong cho danh là "sát nhân hói", Rákosi phỏng theo các chương trình chính trị và kinh tế Stalinist, khiến Hungary nằm dưới quyền cai trị của một trong những chế độ độc tài khắc nghiệt nhất tại châu Âu.[14][15] Ông tự mô tả bản thân là "môn đệ người Hungary tốt nhất của Stalin"[13] và "học trò tốt nhất của Stalin".[16]

Hoạt động trấn áp tại Hungary gay gắt hơn so với các quốc gia vệ tinh khác trong những năm 1940 và 1950 do hoạt động chống đối tại Hungary mãnh liệt hơn.[14] Khoảng chừng 350.000 quan chức và đảng viên bị khai trừ khỏi Đảng Nhân dân Lao động Hungary từ năm 1948 đến năm 1956.[14] Bất kỳ thành viên nào bị phát hiện có liên hệ với phương Tây đều bị tấn công ngay lập tức, trong số đó có một lượng lớn những người từng lưu vong nhiều năm ở phương Tây khi Hungary bị Đức Quốc xã chiếm đóng.[11] Khoảng chừng 150.000 người bị bắt giam, với 2.000 người bị xử bắn.[17]

Ngoài ra, trong quá trình "thanh lọc xã hội" các thành phần phi đảng phái, tại Budapest vào 2 giờ rạng sáng thứ 2, thứ 4, và thứ 6 có các chuyến xe chở các phạm nhân, con số khoảng chừng 700.000.[18] Trong đó có 98.000 người bị quy là làm gián điệp và kẻ phá hoại, 5.000 trong số đó bị xử bắn.[18] Những cuộc thanh lọc toàn xã hội này sử dụng một nguồn lực lớn, bao gồm việc sử dụng gần một triệu người Hungary trưởng thành để ghi chép, kiểm soát, tính toán, tuyên truyền, gián điệp hoặc đôi khi là xử bắn các mục tiêu[19]

Quốc kỳ Hungary trong giai đoạn 1949-1956

Rákosi nhanh chóng mở rộng hệ thống giáo dục tại Hungary, điều này phần lớn là nhằm có thể thay thế tầng lớp có học trước đây bằng những người được Rákosi gọi là một "giới tri thức lao động" mới. Ngoài một số tác động tích cực như điều kiện giáo dục tốt hơn dành cho người nghèo, cho con cái của giai cấp công nhân thêm nhiều cơ hội và nâng cao tỷ lệ biết chữ nói chung, biện pháp này cũng bao gồm cả việc phổ biến ý thức hệ cộng sản trong trường học. Ngoài ra, nhằm mục đích tách biệt Giáo hội ra khỏi chính quyền, việc giảng dạy tôn giáo bị tuyên bố là truyền giáo và dần bị loại bỏ khỏi trường học.

Chính quyền tiến hành tập thể hóa nông nghiệp và dùng lợi nhuận từ các nông trường quốc gia để cung cấp tài chính cho ngành công nghiệp nặng đang phát triển nhanh chóng, đầu tư cho công nghiệp nặng khi đó chiếm tới 90% tổng vốn đầu tư công nghiệp. Lúc đầu, Hungary tập trung chủ yếu vào các loại hàng mà nước này sản xuất từ trước chiến tranh, bao gồm đầu máy và toa xe lửa.

Rákosi gặp khó khăn trong việc quản lý nền kinh tế và mức sống của người dân Hungary giảm đi nhanh chóng. Chính phủ của ông càng trở nên không được ủng hộ, và khi Joseph Stalin qua đời vào năm 1953, Imre Nagy đã thay thế chức thủ tướng của Mátyás Rákosi. Tuy nhiên, Mátyás Rákosi vẫn là Tổng bí thư của Đảng Nhân dân Lao động Hungary trong ba năm sau đó, hai người tiến hành một cuộc đấu tranh quyền lực gay gắt.

Với vai trò là lãnh đạo mới của Hungary, Imre Nagy loại bỏ sự kiểm soát ngôn luận đối với các phương tiện truyền thông đại chúng và khuyến khích thảo luận công khai về thay đổi hệ thống chính trị và tự do hóa kinh tế. Chính phủ mới hứa hẹn nâng cao sản lượng và phân phối các mặt hàng tiêu dùng. Nagy cũng cho phóng thích những người cánh hữu đối lập khỏi nhà tù và thảo luận về việc tổ chức bầu cử đa đảng và rút Hungary khỏi khối Warszawa.

Ngày 9 tháng 3 năm 1955, Uỷ ban Trung ương của Đảng Nhân dân Lao động Hungary chỉ trích Nagy thiên hữu. Các tờ báo Hungary cũng tham gia công kích Nagy và buộc tội ông phải chịu trách nhiệm cho các vấn đề kinh tế của quốc gia. Ngày 18 tháng 4, Imre Nagy bị loại bỏ khỏi chức vụ trong một cuộc bỏ phiếu của Quốc hội, Rákosi lại trở thành lãnh đạo của Hungary.

Quyền lực của Rákosi bị suy yếu sau bài phát biểu lên án Stalin của nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev vào tháng 2 năm 1956. Ngày 18 tháng 7 năm 1956, Rákosi buộc phải rời khỏi quyền lực theo sau các chỉ thị từ Liên Xô. Tuy nhiên, Rákosi đã thành công trong việc tìm cách để đưa người bạn thân cận của ông là Ernő Gerő trở thành nhà lãnh đạo mới của quốc gia.

Ngày 3 tháng 10 năm 1956, Ủy ban Trung ương của Đảng Nhân dân Lao động Hungary tuyên bố rằng László Rajk, György Pálffy, Tibor SzőnyiAndrás Szalai bị hàm oan trong việc bị kết án mưu phản vào năm 1949. Đồng thời, Đảng Nhân dân Lao động Hungary cũng tuyên bố Imre Nagy được phục hồi đảng tịch.

Cách mạng năm 1956

Bài chi tiết: Cách mạng Hungary 1956

Cách mạng Hungary 1956 bắt đầu vào ngày 23 tháng 10 khi các sinh viên tiến hành hoạt động tuần hành hòa bình tại Budapest, nhưng về sau chuyển thành bạo động. Trong cuộc nổi dậy Hungary 1956, giao tranh ác liệt đã nổ ra, ước tính có 3.200 người đã chết (gồm khoảng 2.500 người Hungary và 722 người Liên Xô), gần như toàn bộ là trong quá trình can thiệp của Liên Xô. Một người thân Xô là János Kádár trở thành lãnh đạo mới của Hungary, với chức vụ là lãnh đạo của Đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa Hungary mới được thành lập.

Các thay đổi dưới thời Kádár

Đầu tiên, Kádár lãnh đạo các hành động trừng phạt chống lại những người tổ chức vụ bạo động. 21.600 nhân vật bất đồng chính kiến bị tống giam, 13.000 người bị giam cầm, và 400 người bị xử bắn với tội danh âm mưu lật đổ. Tuy nhiên, đến đầu những năm 1960, Kádár tuyên bố đại xá, dần kiềm chế một số hành động thái quá của công an mật, mở đầu đường lối văn hóa và kinh tế tương đối tự do nhằm khắc phục thái độ thù địch chống lại ông sau năm 1956.

Năm 1966, Ủy ban Trung ương thông qua "Cơ chế Kinh tế mới", qua đó tìm cách cải tổ nền kinh tế, tăng năng suất, khiến Hungary cạnh tranh hơn trên thị trường thế giới, tạo ra sự thịnh vượng để thúc đẩy ổn định chính trị. Trong hai thập niên kế tiếp, tình hình trong nước Hungary tương đối yên tĩnh, chính phủ của Kádár lần lượt tiến hành các cải cách nhỏ về kinh tế và chính trị.

Đầu thập niên 1980, Hungary đã có được một số cải cách kinh tế dài hạn và tự do hóa chính trị ở mức hạn chế, theo đuổi một chính sách đối ngoại khuyến khích thương mại với phương Tây. Tuy thế, Cơ chế Kinh tế mới dẫn tới nợ nước ngoài, chính phủ phải trợ cấp cho các ngành công nghiệp không sinh lợi nhuận.

Chuyển đổi sang nước đa đảng

Quá trình chuyển đổi Hungary thành một nước đa đảng diễn ra êm thấm so với các nước khác trong khối Đông Âu. Đến năm 1988, các nhà hoạt động trong Đảng và bộ máy nhà nước và giới trí thức gia tăng áp lực yêu cầu thay đổi. Các hoạt động công dân được tăng cường ở mức chưa từng có kể từ năm 1956.

Năm 1988, Kádár phải rời khỏi chức vụ Tổng bí thư, nhân vật cộng sản cải cách Imre Pozsgay được bầu vào Bộ Chính trị. Năm 1989, Quốc hội thông qua một "gói dân chủ", bao gồm công đoàn đa nguyên, tự do lập hội, hội họp và báo chí, một luật bầu cử mới. Vào tháng 10 năm 1989, một bản hiến pháp cấp tiến được thông qua, Đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa Hungary triệu tập Đại hội cuối cùng của mình và tái lập với tên Đảng Xã hội Hungary (MSZP). Trong một phiên họp lịch sử vào ngày 16-20 tháng 10 năm 1989, Quốc hội thông qua luật quy định bầu cử quốc hội đa đảng và một cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp, đổi tên nước từ Cộng hòa Nhân dân Hungary thành Cộng hòa Hungary.